Đôi điều về phim Tết 2009

Năm nay Tết đến sớm, phim Tết cũng lặng lẽ trong dư luận hơn mọi năm. Có lẽ mối quan tâm của mọi người là tình hình giá cả biến động, ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày... hơn là quan tâm đến phim nào sẽ ra rạp dịp Tết. Biết là vậy, nhưng mấy năm trở lại đây, không thể hình dung được Tết Việt sẽ ra sao nếu thiếu phim Việt!

Mâm cỗ chỉ còn cho 3 người!

Năm nào phim Việt chiếu Tết cũng chuyển động rất chậm, thường mãi đến hè các nhà sản xuất quen thuộc của mùa phim Tết mới rục rịch khởi động. Năm nay, phim Tết sẽ đón chào thêm những nhà sản xuất mới hứa hẹn sẽ mang lại nhiều hương vị mới. Lẽ ra năm nay, thị trường phim Tết sẽ nhộn nhịp rất nhiều (6 đến 7 phim) nếu không có những thay đổi vào giờ chót.

Đầu tiên là “14 ngày” - bộ phim được bấm máy sớm nhất của đạo diễn Việt kiều Trọng Khoa do hãng Chánh Phương sản xuất, với con át chủ bài là diễn viên Việt kiều kiêm luật sư Trịnh Hội (chồng của Nguyễn Cao Kỳ Duyên). Sau khi hoàn tất, các nhà làm phim cảm giác bản dựng vẫn chưa ổn nên lại ôm phim sang Mỹ nhờ các chuyên gia dựng phim biên tập lại. Hiện vẫn chưa biết bộ phim sẽ ra rạp vào thời điểm nào.

Một bộ phim nữa cũng của đạo diễn Việt kiều, “Chuyện tình xa xứ” - đạo diễn Victor Vũ do hãng In Focus Media phối hợp với Wonderboy Entertainment sản xuất. Bộ phim bấm máy khá sớm (mùa hè 2008) với dàn diễn viên trẻ đẹp quen thuộc như Bình Minh, Huy Khánh, Ngọc Diệp và diễn viên Việt kiều Kathy Uyên.

Theo kịch bản ban đầu, bộ phim có bối cảnh phần lớn ở Mỹ, nhưng giờ chót các diễn viên Việt Nam không được xét duyệt visa vào Mỹ quay phim. Cuối cùng sau vài tháng cân nhắc, các nhà sản xuất đành phải “đánh bài liều” về lại Việt Nam quay... giả cảnh ở Mỹ! Tháng 11 vừa rồi bộ phim vẫn còn tất bật ở Sài Gòn thu hình những cảnh... “ở Mỹ” nên “Chuyện tình xa xứ” cũng tương tự như phim “14 ngày”, chưa biết bao giờ mới ra mắt khán giả Việt Nam.

Tết năm nay là mùa thứ 2 liên tiếp phim Tết vắng mặt người đã tạo ra “cơn sốt” phim Tết, sau cả chục năm khán giả quay lưng với phim Việt chiếu rạp: Đạo diễn Lê Hoàng! Lẽ ra “Ngũ Long Công Chúa” của anh - do Sài Gòn Media sản xuất - sẽ cùng “chen vai thích cánh” với các anh hào mùa Tết này, nhưng cuối cùng phải lùi lại một bước để nhường sân cho “Đẹp từng Centimét”, cũng là một sản phẩm có phần đóng góp lớn của Sài Gòn Media.

Ngoài ra còn một phim của đạo diễn Trương Dũng người vốn được coi là “Gà son phim Tết” của giám đốc Thái Hòa (Hãng phim Giải Phóng) dự tính bấm máy để tung ra vào dịp Tết này cũng đã hoãn lại vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu về vấn đề kinh phí.

Bảo Sơn và Dustin Nguyễn trong phim “Huyền thoại bất tử”.


Vậy là mâm cỗ phim Tết năm nay chỉ còn 3 thực khách chính: “Giải cứu thần chết” - đạo diễn Dũng “khùng”, hãng Thiên Ngân và HK Film; “Huyền thoại bất tử” - đạo diễn Lưu Huỳnh, hãng Wonderboy Entertainment và Phước Sang; “Đẹp từng Centimét” - đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, hãng BHD và Sài Gòn Media.

Chúng ta hãy thử cùng phân tích những ưu nhược điểm của 3 phim trên trong mùa phim Tết 2009.

Về chuyện phim và chuyện cái tên phim

Linh hồn của bất cứ bộ phim lớn nhỏ nào trên thế giới vẫn phải là một câu chuyện đủ sức lôi cuốn khán giả. Phim Tết ở Việt Nam thì bao năm nay vẫn đơn điệu một “vị” duy nhất: Hài hước cười vui sảng khoái, hài càng nhảm nhí bà con càng khoái! Đã vậy người Việt Nam lại hay có thói quen dị đoan vào mấy ngày xuân, trong đó cái tựa phim đóng vai trò rất quan trọng.

Năm ngoái tựa phim “Nụ hôn thần chết” của hãng Thiên Ngân ban đầu tạo ra tâm lý e ngại nơi khán giả, bởi nghe chữ “Thần chết” vào dịp Tết thật chẳng êm tai tí nào. Trong khi đó chữ “Phát tài” trong bộ phim cùng tên của hãng Phước Sang, mới nghe qua là thấy sảng khoái liền!

Vậy mà cuối cùng “Thần chết” lại thắng lớn, biến “Phát tài” trở thành... “Phát tởm” (như lời phàn nàn của rất nhiều khán giả) bởi nội dung phim “nhạt” chưa từng thấy! Xem ra khán giả Việt Nam (90% là khán giả trẻ) dù có dễ dãi đến đâu trong mấy ngày Tết, cũng luôn biết phân biệt đâu là í... đâu là ẹ! Tựa phim “kêu”, chỉ lừa được số ít khán giả nhẹ dạ ban đầu chứ không thể giá trị lâu bền bằng nội dung phim.

Phim Tết năm nay thật thú vị thuộc 3 thể loại khác nhau: “Giải cứu thần chết” - hài giả tưởng. “Huyền thoại bất tử” - tình cảm, hành động. “Đẹp từng Centimét” - tình cảm hài nhẹ nhàng.

Ban đầu ai cũng nghĩ “Giải cứu thần chết” là phần tiếp theo của “Nụ hôn thần chết” rất thành công năm ngoái, nhưng thực ra nó chỉ giống mỗi 2 chữ “Thần chết”, còn nội dung là hai phim hoàn toàn khác nhau. “Giải cứu thần chết” lần này mang chất “teen” hơn, tất nhiên là nội dung cũng “hài hài nhảm nhảm... quái quái” đúng chất Dũng “khùng”! Thế mạnh mà phim này kỳ vọng sẽ là phần kỹ xảo được chăm chút công phu hơn “Nụ hôn thần chết”.

“Huyền thoại bất tử” hứa hẹn sẽ mang lại cho khán giả lẫn người trong nghề nhiều ngạc nhiên nhất, bởi nội dung phim này hoàn toàn trái ngược với kiểu phim Tết “Made in Phước Sang” từ trước đến nay: Có chiều sâu và đậm đà tình cảm. Đây là câu chuyện về tình mẫu tử, có kết cấu đơn giản mạch lạc và đậm chất “xi nê” nhất trong 3 phim Tết năm nay! Thế mạnh của phim này là những màn hành động được dàn dựng rất chân thật và khá hấp dẫn.

“Đẹp từng Centimét” vẫn tiếp tục với mô-típ quen thuộc của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng hướng tới các khán giả trẻ: Một câu chuyện tình yêu lãng mạn kiểu hoàng tử và công chúa thời hiện đại. Chàng và nàng gặp nhau, rồi hẹn hò, rồi nghịch phá, rồi yêu ghét giận hờn, rồi chơi mèo vờn chuột và cuối cùng là một happy end (kết thúc có hậu)! Thế mạnh của bộ phim hầu như dựa vào sức hút của bộ đôi diễn viên Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải.

Về diễn viên và đạo diễn

Diễn viên là yếu tố quan trọng số một để thu hút khán giả xem phim, nhưng đó là ở nước ngoài, còn ở Việt Nam điều này đã không còn tồn tại hơn 15 năm qua. Đơn giản là Việt Nam bây giờ không có ngôi sao màn bạc.

Đạo diễn càng khó thu hút khán giả hơn, bởi người Việt Nam chưa có “đẳng cấp” đi xem phim theo tên của đạo diễn. Mà cũng phải nói ngược lại một chút, cái chính là đạo diễn Việt Nam chưa khẳng định được chỗ đứng của mình trong lòng khán giả.
Chưa ai tạo được sự “đều tay” vì phong độ và phong cách cứ trồi sụt bất thường qua mỗi bộ phim.

So với “Nụ hôn thần chết” năm ngoái, “Giải cứu thần chết” có dàn diễn viên chính yếu hẳn với chỉ một cái tên khả dĩ được khán giả (phía Nam) biết đến, đó là Minh Hằng, còn lại đa số đều là những gương mặt mới ít ai biết.

Mời những người nổi tiếng đóng các vai phụ theo kiểu “giúp vui” là truyền thống xưa nay của các phim Tết, “Giải cứu thần chết” cũng không ngoại lệ với: Ca sĩ Hồng Nhung, Phương Thanh, Siu Black, diễn viên kịch nói Thành Lộc, Hữu Châu...

Siu Black (ảnh trên) và Kim Xuân (ảnh dưới) trong phim “Huyền thoại bất tử”.
Nói về tên tuổi mang tầm quốc tế thì ở Việt Nam hiện nay không diễn viên điện ảnh nào qua được Dustin Nguyễn. Tuy nhiên ngoài thiện cảm từ vai diễn phản diện trong bộ phim đầu tiên Dustin ra mắt khán giả Việt Nam “Dòng máu anh hùng”, cái tên Dustin Nguyễn vẫn là một cái tên khá xa lạ với số đông khán giả. Hy vọng với “Huyền thoại bất tử”, diễn xuất và phong cách làm việc chuyên nghiệp sẽ biến Dustin Nguyễn trở thành một cái tên quen thuộc với khán giả Việt Nam như Johnny Trí Nguyễn đã làm được.

Một điểm sáng trong phim nữa thuộc về Trần Thiên Tú - cô bé lấy bao nước mắt của khán giả trong phim “Áo lụa Hà Đông” - giờ đã trở thành một thiếu nữ với khả năng diễn xuất và nhập vai thiên phú. Với phim này, Tú đang trên đường gia nhập vào danh sách những ngôi sao điện ảnh trẻ đầy triển vọng của điện ảnh Việt Nam trong những năm tới.

Trong 3 đạo diễn có phim của mùa Tết thì đạo diễn Lưu Huỳnh kín tiếng hơn cả. Đối với anh, “Huyền thoại bất tử” có giọng điệu hoàn toàn khác hẳn với “Áo lụa Hà Đông” khi nó mang đậm chất giải trí. Chỉ có một chút lo ngại theo anh đó là “Huyền thoại bất tử” ít chất Tết hơn các phim khác, nên chưa biết khán giả sẽ đón nhận như thế nào!

Trong 3 phim chiếu Tết có vẻ đôi diễn viên Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải của “Đẹp từng Centimét” là trội hơn cả. Phần lớn nhờ vào hiệu ứng thành công của bộ phim truyền hình “Bỗng dưng muốn khóc”. Nhưng hiệu ứng từ màn ảnh nhỏ sang màn ảnh lớn là hai vấn đề rất khác nhau. Khán giả của 2 loại hình cũng rất khác nhau, một đằng là miễn phí, một đằng là phải mua vé (không hề rẻ, nhất là vào dịp Tết!).

Một vấn đề lớn nữa thuộc về đạo diễn. Qua mấy phim liên tiếp với thể loại trữ tình lãng mạn, khán giả và người trong giới có cảm giác hình như Vũ Ngọc Đãng đang dần... cạn vốn! Khi xem phim truyền hình “Tuyết nhiệt đới”, một số người đã tưởng đó là phần tiếp theo của phim nhựa “Những cô gái chân dài”. Cầu mong sắp tới khi xem phim nhựa “Đẹp từng Centimét” đừng ai tưởng nhầm đó là phần tiếp theo của phim truyền hình “Bỗng dưng muốn khóc”!

Về kinh phí đầu tư, và chiến lược phát hành

Năm nay phim Tết được các nhà sản xuất đầu tư rất quy mô và chu đáo. Cả 3 phim đều chú trọng đến chất lượng hình ảnh của phim. “Giải cứu thần chết” và “Huyền thoại bất tử” có sử dụng nhiều kỹ xảo nên đã lựa chọn thu hình bằng máy kỹ thuật số hiện đại Red One. “Đẹp từng Centimét” phần lớn diễn ra trong nội cảnh và câu chuyện cũng đơn giản nên quay thẳng bằng phim nhựa 35mm.

Kinh phí sản xuất của mỗi phim đều là bí mật tuyệt đối mà ít hãng nào dám tuyên bố chính xác, và thường là cao hơn con số thật. Nhưng theo quy mô của mỗi bộ phim, có thể khẳng định kinh phí đầu tư lớn nhất là “Huyền thoại bất tử”, kế đến là “Giải cứu thần chết” và cuối là “Đẹp từng Centimét”.

Phương Thanh trong “Giải cứu thần chết”

Khi phim phát hành, số lượng vé bán ra mới là quyết định. Lúc ấy phim có kinh phí đầu tư lớn hay nhỏ chỉ còn mang tính hình thức. Vai trò của rạp có ý nghĩa quyết định cho sự sống còn của mỗi bộ phim. Khổ nỗi, rạp ở Việt Nam quá ít để có thể tạo ra sự an tâm nơi các nhà sản xuất.

Đến giờ này có thể nói thế thượng phong về phát hành đang thuộc về “Giải cứu thần chết” và “Đẹp từng Centimét”, do họ đang sở hữu hệ thống rạp riêng, và mối quan hệ gắn kết rất tốt với các đối tác rạp khác.

“Giải cứu thần chết” đã sở hữu 2 cụm rạp Galaxy, cộng thêm với phần hùn vốn của cụm rạp Cinebox, xem như họ đã phần nào yên tâm. “Đẹp từng Centimét” của hãng BHD là một cổ đông lớn với Sài Gòn Media đã chính thức lấy được rạp Thăng Long - nơi mà nhiều năm qua được xem là “sân nhà” của hãng Phước Sang. Chưa hết, BHD còn đi một nước cờ khôn ngoan khi lôi kéo thêm Hãng phim Giải Phóng đầu tư (hùn vốn bằng thiết bị) - Điều này đương nhiên là “Đẹp từng Centimét” đã có một chỗ ở 2 cụm rạp Cinebox!

Với kinh phí tuyên bố là 11 tỷ đồng, với hệ thống cụm rạp ít ỏi tại Việt Nam, với việc “thắt lưng buộc bụng” của khán giả do ảnh hưởng kinh tế chung... việc thu hồi vốn của “Huyền thoại bất tử” trong tình trạng phát hành “đơn thương độc mã” như hiện nay, bị xem là một nhiệm vụ bất khả thi!

Tất nhiên với việc đầu tư kinh phí lớn và khả năng kể chuyện của đạo diễn Lưu Huỳnh, ngay từ đầu hai chủ đầu tư là Wonderboy Entertainment và hãng Phước Sang đã xác định họ sẽ phải thu thêm từ thị trường nước ngoài.

Nhưng thật sự khả năng bán phim Việt Nam ra nước ngoài là cực kỳ khó và xác suất rủi ro rất cao (vẫn còn đó bài học của phim “Dòng máu anh hùng”). Ngay cả trên thế giới, tất cả các nhà sản xuất phải luôn luôn xác định doanh thu thị trường nội địa là chính, và phải làm sao đạt tới mức 70 - 80%... phần còn lại mới tính đến thị trường nước ngoài!

Cũng gần giống như trong bóng đá - bóng chưa lăn thì chưa thể nói trước được điều gì - cũng như phim chưa chiếu thì cũng chưa thể nói trước được điều gì... chính xác!


Mộc Lâm

0 nhận xét: