Bát chè kê đêm giao thừa

Chè kê - Ảnh: Tiến Đạt

Làng tôi trải dọc theo bờ sông Ngàn Phố trong vắt, uốn mình theo dải núi Thiên Nhẫn điệp trùng, bốn mùa lung linh soi bóng, đua nhau khoe sắc tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình hiếm nơi nào sánh nổi.

Thời thơ ấu của chùng tôi gắn chặt với bao kỷ niệm êm đềm, khắc sâu ký ức. Ngày ngày cắp sách tới trường làng; trưa hè đằm mình dưới làn nước mát rượi; buổi chiều thong thả lùa đàn bò lội qua sông.

Khi lũ bò lên triền đồi ung dung gặm cỏ, lũ trẻ mục đồng chúng tôi chia nhau từng tốp mải mê hái sim cho đầy túi áo, thỉnh thoảng gặp trái căng tròn mọng nước là đưa lên miệng thưởng thức khiến đôi môi đứa nào cũng điểm một màu son tím nhạt, nom thật buồn cười.

Trên nương, chỗ này nhộn nhịp cô bác ngắt ngọn chè, chỗ kia đào khoai mì vừa chớm độ thu hoạch. Nhưng nổi bật hơn hết giữa không gian mênh mang là những thửa kê vàng rộm, nhấp nhô đuổi nhau mỗi khi cơn gió nồm nam mơn man lướt qua. Đẹp vô ngần, bởi bông kê đều đặn, chi chít hạt gắn kết, uốn cong tựa đuôi sóc, chín rộ hứa hẹn những bát chè thơm lựng…

Cùng với bánh chưng bánh tét, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, món chè kê được coi là sản phẩm dân dã truyền thống không thể thiếu của gia đình chúng tôi đêm giao thừa.

Chế biến kê tuy đơn giản nhưng là cả một nghệ thuật, bởi không phải ai cũng nấu được chè như ý. Giáp Tết, lấy kê từ trong thùng ra, xay vỏ chắt lọc nhân kỹ lưỡng. Công đoạn tiếp theo là giã cho hạt được đánh bóng, rồi đêm 30 đãi sạch, để vài giờ. Xong, bắc nồi nước đun sôi, cho kê vào, dùng đũa tre liên tục khuấy đến khi đặc quánh, đổ mật mía vừa đủ độ ngọt, trộn gừng giã nhỏ đảo đếu, đợi chín tới, múc ra chén, sắp lên bàn thờ dâng cúng tổ tiên.

Gần 20 năm đón xuân tại quê nhà cũng là 20 lần anh em tôi ngồi bên bếp lửa hồng chăm chú xem mẹ thao tác trọn vẹn “đặc sản” chè kê xứ Nghệ. Làm sao quên được mùi thơm dịu dàng của hạt kê quyện chặt với hương vị ngọt lịm của mật mía!

Gần 40 năm xa nhà, thiếu vắng bát chè kê mẹ nấu, mỗi độ giao thừa, lòng con thao thức, đau đáu nhìn về phương Bắc, nhớ đến nao lòng, khắc khoải, mẹ ơi!

NGUYỄN TIẾN ĐẠT (Lâm Đồng)

0 nhận xét: