Gót son

TTO - Người ta mong chờ nhiều nỗi vui khác nhau trong ngày Tết Việt. Tôi biết ba má tôi vui nhiều nhất là những lúc bầy con ngồi quanh mâm cỗ không thiếu đứa nào. Tôi vẫn nhớ trong các món ngon má tôi chuẩn bị cho mâm cơm lớn này luôn có bình rượu nếp than...

Ảnh Lưu Cẩm Vân (dự thi Những nẻo đường xuân 2009)

Ngày mồng một Tết, má tôi rót cho mỗi người một ly lưng lửng. Sau khi cả bầy con bảy đứa xếp hàng mừng tuổi, chúc Tết ba má thì cả nhà sẽ mời nhau ly rượu nếp than màu hồng tía vừa nồng vừa ngọt, dễ uống như một loại nước trái cây lên men. Đám trẻ hồn nhiên uống xong ly rượu đầu tiên, ngồi quanh quần bên bộ ván gỗ với ba má chơi lắc bầu cua một đỗi là lăn đùng ra ngủ. Sau này má tôi kể, má lo mấy đứa đi chơi ta bà ngày Tết nên bày ra cảnh chúc tụng và “thuốc” mỗi đứa một ly rượu nếp ngọt lừng nhưng cũng đầy men để giữ bầy con ở nhà cho bình yên.

Lớn rồi, các anh chị tôi đều có gia đình riêng, thời gian dành cho ba má ít dần và vì thế với ba má tôi, ngày đầu năm quý giá vô cùng. Nâng niu niềm vui của ba má, tôi cũng mong ngày mồng một thật trọn vẹn, rủ má đi ra ruộng hái ít rau đắng đất – rau này ăn với cháo cá sau bữa tiệc xuân thì hết ý. Hai má con vừa hái rau vừa ôn lại chuyện cũ.

Nghe má nói “Nhớ lại hồi mới giải phóng, nuôi một nách bảy đứa mà tới giờ còn giật mình” mà thương má đứt ruột. Bởi vậy, khi đến giữa trưa ngày mùng một mà vẫn chưa thấy anh trai về Tết ba má, tôi sốt ruột lắm. Ba tôi cứ ra ra vào vào, hết ngắm mấy chậu hoa tôi bày trước thềm lại vào nhà bật tivi. Đến khi không giấu nổi lòng mình, ba tôi nói “Giao thằng Sáu làm ông Từ, mà giờ này nó không chịu về nhang khói để ông bà tổ tiên treo mỏ chờ quá!”. Tôi thì hết chịu đựng nổi, nhắn tin nhắc “Anh ở đâu rồi sao không về chơi để ba mong?”.

Cũng may, anh Sáu kịp về và đưa cả nhà đi vía Bà nên ba tôi không những hết buồn mà còn ra chiều rất phấn khởi, chịu đi cùng cả nhà lên núi – một việc mà mấy chục năm rồi ba chưa làm. Dọc đường đi từ Động Kim Quang lên tới Chùa Bà, ba tôi luôn tay chỉ trỏ với niềm phấn khích lớn vì được nhìn ngắm lại cảnh cũ ngày xưa “Ở đây hồi đó là nơi họp hành của Chi Ủy”, “Nơi đây ông nhà văn X trên đường vác lương thực lên núi bị trượt ngã…”, “Chỗ này ba cô gái A, B, C đã hy sinh”...

Cũng nhờ câu chuyện của ba mà cả nhà quên mỏi mệt. Còn cách chùa chừng trăm mét vách núi dựng đứng, hai gò má của má đỏ lựng. Tôi đứng quạt cho má mà lo quá vì không biết má có leo lên nổi nữa hay không… Má nhìn tôi tươi cười "Má phẻ, nghỉ một lát là má đi được à”. Tuy má trấn an nhưng tôi lo lắm, chỉ còn biết vừa dìu má từ phía dưới bước từng bậc đá một đang dựng đứng phía trên, vừa cầu nguyện cho má lên được đến cửa chùa. Ngay khoảnh khắc ấy, tôi nhớ như in câu chuyện khi tôi lên ba, một tay má vác tôi, một tay má đẩy chiếc xe đạp đứt sên lội bộ gần mười cây số từ rẫy về nhà mà chưa từng làm tôi giật mình thức giấc.

Nỗi vui mừng vỡ òa khi nhìn thấy má tôi hoàn toàn vui khỏe với gương mặt điềm nhiên quỳ đảnh lễ Phật. Quỳ sau lưng bà tôi chắp đóa sen lòng khấn nguyện: “Tạ ơn trên đã luôn che chỡ cho ba má con yên vui trong lúc này và cầu nguyện người hãy luôn ban cho ba má con niềm vui miên trường ấy…”

inlichtet.com theo LONG HOA TTO

0 nhận xét: