Những chiếc bánh cốm thuở nhỏ

Ngày trước, một trong những sản vật không thể thiếu trong những ngày Tết ở quê tôi là những chiếc bánh cốm to đùng, gia đình nào cũng tự làm để cúng tổ tiên, đãi khách. Thời ấy, có lẽ do nghèo quá nên chỉ có những chiếc bánh to hơn cả viên gạch này người ta ăn mới đã! Đó cũng là món ăn mà bọn trẻ chúng tôi luôn háo hức chờ đợi vì nó là tín hiệu Tết đã đến.

Người làng tôi lấy sự tiến bộ của “công nghệ” làm bánh cốm để đánh dấu sự phát triển của thời đại. Những năm 80 của thế kỷ trước, quê tôi làm bánh cốm còn hoàn toàn thủ công. Cuối năm, nhà nào cũng chuẩn bị vài mươi ký nếp thóc. Năm bảy nhà tập trung lại làm lò rang nếp. Một cái chảo to đùng đặt giữa bếp lò đỏ rực, người ta thay phiên nhau dùng những đôi đũa tre dài để khấy cho nếp nổ đều, bóc vỏ. Rang xong, nếp đổ ra nia, phụ nữ thi nhau sàng để bỏ vỏ. Nhà nào nhà nấy hì hục giã. Đường đen nạo sẵn dào vào bột nếp, chà đều cho đường và bột quyện vào nhau. Sau khi ủ bột một đêm, nhà nào nhà nấy lại hì hục dện cốm bằng những khuôn gỗ to hơn viên gạch.

Cả làng chỉ có vài cái khuôn gốm, mỗi lần dện cốm phải chạy mượn khắp làng. Bọn trẻ chúng tôi luôn thèm thuồng nhìn những bánh cốm chất đầy nia. Thỉnh thoảng được người lớn cho vài nắm bột thừa, cả bọn mừng húm, miệng đứa nào đứa nấy dính đầy bột, trắng phau. Sau khi dện cốm, ba má tôi thường dùng dao cắt gọt cho đều những góc cạnh của bánh cốm. Hai anh em tôi háo hức đứng chờ để xí từng phần bột thừa. Một lần nọ, khi người lớn đi vắng, anh em tôi len lén bẻ dần, bẻ dần từng góc cạnh của những chiếc bánh cốm. Hai đứa không dám lấy ăn hẳn một bánh mà cái nào cũng bị bẻ nham nhở. Khi ba má về, hai anh em tôi bị một trận đòn nên thân.

Những năm 90, “công nghệ” làm cốm quê tôi tiên tiến hơn. Những ngày cuối tháng Chạp, cứ một lát lại nghe một tiếng “đùng” rất to, rất đã. Đó là tiếng “rang nổ”, có người gọi là “bụp” cốm. Bấy giờ, nếp không còn rang bằng chảo nữa. Gạo nếp bỏ vào một cái ống gang đúc, khóa kín, đốt nóng, xoay đều cho nếp nổ. Khi rang xong, người ta đập một cái để mở nắp ống gan, một tiếng nổ “đùng” dội cả vùng, nghe quen thuộc nhưng có người vẫn giật mình. Người ta không còn giã bột cốm nữa mà đã có máy xay, ai cũng trầm trồ khen hiện đại. Cả làng chỉ có một lò “rang nổ” nên phụ nữ, trẻ em mang nếp xếp hàng chờ cả ngày mới đến lượt. Thế nhưng, người ta không mệt mỏi, cáu gắt; ngược lại ở lò “rang nổ” lúc nào cũng đúng là vui như Tết. Gần Tết, gặp nhau người ta hỏi thăm “năm nay nhà ăn Tết mấy đùng?”. Người làng tôi dùng tiếng “đùng” của rang cốm làm đơn vị đo lường mức độ ăn Tết tô hay nhỏ của mỗi nhà.

Tiếng “đùng” rang cốm ở quê tôi ngày càng thưa dần. Những Tết gần đây, âm thanh thân quen ấy đã mất hẳn. Năm nay, quê tôi có hẳn một cái máy làm cốm theo công nghệ hiện đại của một cơ sở mua về Đà Nẵng. Chỉ cần đưa đến vài ký nếp, dây chuyền khép kín này sẽ cho ra những chiếc bánh cốm trắng tinh, mịn màng, vuông vức, góc cạnh sắc sảo. Thế nhưng, vẫn không có mấy người đưa nếp đến làm hay mua cốm. Bây giờ, đời sống khá hơn, ngày Tết trong nhà đã có nhiều loại bánh trái, thức ăn; người ta không nhất thiết phải làm cốm nữa.

Với tôi, những nắm bột cốm tranh nhau xí phần ngày nào, những miếng cốm bẻ trộm từ các góc cạnh của chiếc bánh cốm ngày xưa vẫn là món ăn ngon nhất trong ngày Tết thuở nhỏ. Tết lại về, làm sao quên được!

TẤN LỘC

0 nhận xét: