Mùi Tết quê tôi

TTO - Hai chín, ba mươi Tết nhà nhà quây quần bên chiếc nong tre, chẻ lạt, gói bánh tét. Mùi lá chuối vừa hơ lửa, mùi nếp mới, đậu xanh, thịt ướp tiêu thơm lừng, làm cho bao đứa trẻ lòng nao nao mong Tết đến thật nhanh. Chiều ba mươi, khắp làng quê phảng phất trong không khí thứ mùi quen thuộc, thiêng liêng: mùi nhang trầm...

.......................................

Quê tôi là một vùng thuần nông, người nông dân quen tần tảo sớm hôm cực nhọc để làm ra hạt lúa, củ khoai, manh áo. Nhưng giờ đây, cùng với nhịp phát triển chung của xã hội, công việc đồng áng đã được cơ giới hoá, người dân phần nào đỡ vất vả, có thời gian "ra Bắc vào Nam" buôn bán, lao động, chắt chiu, dành dụm xây dựng kinh tế gia đình. Với những người nông dân chân chất, họ luôn chuẩn bị cho một cái Tết thật chu đáo, thiêng liêng, ấm cúng và vui vẻ.

Những ngày cuối tháng chạp, cái lạnh của mưa phùn, gió bấc vẫn còn nặng nợ với mùa đông, mặc cho trên những cành mai đã vàng một màu tinh khôi báo hiệu mùa xuân về. Giáp Tết, đường làng, ngõ xóm được quét dọn, chỉnh trang sạch sẽ, thoáng đãng. Chợ và các cửa hàng bán đồ Tết đông vui, ồn ào, náo nhiệt kẻ mua, người bán. Nhiều nhất là các mặt hàng bánh mứt, kẹo, đậu xanh, gạo nếp, vàng mã, hương thơm ...

Trong những ngày còn lại của năm cũ, người thôn quê thường mổ lợn cúng tất niên và tổ tiên trong những ngày tết. Nơi làng quê vốn yên bình thỉnh thoảng lại vang lên tiếng lợn bị chọc tiết ở đâu đó, làm xao lòng bao người con xa quê mới có dịp trở về. Đầu làng có lò rang nếp nổ được dựng lên vội, phục vụ những gia đình làm bánh nổ. Nếp rang xong, về ngồi sàng, lượm sạch vỏ trấu, cho vào bao ni-lon cột kỹ. Đêm đến sên đường, trộn vào nếp nổ, đổ vào khuôn đóng bánh. Tiếng chày đóng bánh nổ nghe đùng đùng, vang đều khắp xóm thật rộn rã.

Ngày hai chín, ba mươi Tết nhà nhà quây quần bên chiếc nong tre, chẻ lạt, gói bánh tét. Mùi lá chuối vừa hơ lửa, mùi nếp mới, đậu xanh, thịt ướp tiêu thơm lừng, làm cho bao đứa trẻ lòng nao nao mong Tết đến thật nhanh. Chiều ba mươi, khắp làng quê phảng phất trong không khí thứ mùi quen thuộc, thiêng liêng đó là mùi nhang trầm. Chiều cuối cùng của năm cũ, mọi nhà đều cúng rước ông bà, tổ tiên về chung vui năm mới cùng con cháu. Đêm ba mươi, trong thời khắc chờ đón giao thừa, mọi người vui vẻ, đầm ấm bên nhau kể về chuyện làm ăn, học hành... của một năm đã qua.

Ngày Tết, họ hàng gặp nhau thật đầm ấm, người quê làm lụng cả một năm vất vả, dành cho cái tết với các món ngon, quần áo đẹp, cho dù ngày thường bây giờ không thiếu. Thanh niên nông thôn bây giờ cũng đổi thay theo cuộc sống. Nhiều người rời làng ra thành thị học hành, công tác, kiếm sống đã học được lối sống thời thượng của một số thanh niên thành phố. Xe máy bây giờ đã phá vỡ bầu không khí yên tĩnh của làng quê. Mấy ngày Tết, đường quê xe máy chạy ầm ầm không kém ở đô thị.

Bữa cơm tân niên quê tôi thật sự sum họp, đầm ấm. Các bậc ông bà, cha mẹ, cô chú... lì xì năm mới với những đồng tiền thật mới rồi nhắc nhở, chỉ bảo con cháu ra sức học tập, rèn đức, luyện tài và nâng cao tay nghề, làm những việc có ích cho bản thân, cộng đồng và xã hội. Con cháu chúc ông bà, cha mẹ, chú bác sức khoẻ dồi dào, sống lâu trăm tuổi. Ngày Tết, mọi người đến nhà nhau chúc tụng, cầu an khang, hạnh phúc như một câu hát tình xuân trong họ hàng, làng xóm và mỗi mái ấm gia đình.

Một cái Tết lại qua đi, mọi người, mọi nhà lại bước vào năm mới với bao toan tính, người nhà nông quê tôi một phần phải xa quê, tần tảo rong ruổi trên khắp các nẻo đường tìm kế mưu sinh. Người ở nhà lại cần mẫn trên từng thửa ruộng, mùa này qua mùa khác "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để đổi lấy những mùa vàng như một điệp khúc tình quê....

NGUYỄN TẤN PHÁT

0 nhận xét: