Không còn nỗi lo hết Tết

Từ nhỏ, tôi đã có một nỗi lo sợ “hết Tết”. Tết chỉ thật sự vui vào những ngày chuẩn bị đón Tết, sắm sửa mọi thứ để chờ đợi giờ phút giao thừa linh thiêng.

Tất bật chiều 30 Tết - ảnh dự thi Những nẻo đường xuân

Cả năm tất bật, những ngày cuối năm mọi người lại tất bật hơn. Cố thêm chút nữa, sửa sang lại nhà cửa cho khang trang, nhà này nhà kia quét vôi lại bức tường, sửa cái hàng rào, sơn lại cánh cửa. Ba mẹ tôi cố thêm chút nữa, để lo cho cái Tết của gia đình tươm tất hơn. Tất cả hoạt động tự dưng đổ dồn, gấp gáp, đôi khi gay gắt, căng thẳng để mọi chuyện phải giải quyết trước giờ giao thừa. Từ giờ phút giao thừa, mọi căng thẳng chấm dứt, những khuôn mặt dãn ra, chỉ để dành cho những lời chúc tụng, những nụ cười, những điều tốt đẹp với nhau.

Nhưng cũng sau giây phút giao thừa ngắn ngủi, tôi biết rằng Tết đã hết.

Mong chờ Tết quá, làm hết sức mình để đón Tết nhưng khi giây phút đầu năm vừa đến, khi mà Tết thực sự đến thì cũng là lúc chúng tôi bắt đầu lo lắng “sắp hết Tết”. Cứ sau giờ giao thừa, sau khi nhận tiền mừng tuổi và chúc Tết ba mẹ, trước khi đi ngủ, anh tôi bảo chúng tôi “vậy là hết Tết rồi”.

Tôi biết rằng mình sẽ còn một chuỗi vài ngày đầu năm tha hồ ngủ nướng mà không bị la rầy. Sáng mai sẽ mặc áo mới, sẽ được ăn ngon và sẽ chỉ vui chơi mà không cần phải làm việc. Vậy mà từ lúc giao thừa, từ đâu đã len lén một nỗi buồn là sắp hết Tết rồi, là phải một năm nữa mới tìm lại được cảm giác nôn nao đón Tết, nôn nao chờ xuân sang. Nỗi buồn len lén này chưa nhiều lắm bởi chúng tôi còn được một buổi sáng mồng một với bao nhiêu điều cấm kỵ: không quét nhà, cẩn thận lời ăn tiếng nói, tục xông đất. Những điều cấm kỵ này khiến không khí Tết thiêng liêng nấn ná lại với chúng tôi thêm buổi sáng mồng một…cho đến chiều thì Tết bắt đầu vơi đi và mồng hai thì chẳng còn Tết mấy.

Có thể Tết chỉ vui bởi cảm giác nôn nao chờ Tết đến. Tết chỉ thực sự xảy ra vào những ngày trước Tết.

Từ mồng năm trở đi, Tết hoàn toàn biến mất với bao nhiêu lo toan chợt hiện về. Mọi việc lại chuẩn bị đi vào trật tự cũ, và buồn lắm khi phải đến mười hai tháng nữa mới gặp lại cái không khí “chờ đón xuân sang”. Nhiều người cố níu kéo cuộc vui bằng cách nghĩ “còn mồng là còn Tết”, bởi họ không dám đối mặt với cái cảm giác xuân tàn. Lớn lên một chút, tôi nghe giảng về câu thơ “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận…” nhưng vẫn không chia sẻ được cảm giác tự cưỡng bức mùa xuân trong lòng.

Vậy mà bây giờ, tôi đã tìm ra cách khắc phục nỗi lo hết Tết. Trong cái tất bật cuối năm, chúng tôi trích ra một phần nhỏ trong thu nhập của mình để chia thành từng phần quà nhỏ, khoảng năm mươi ngàn đồng. Rồi những ngày giáp Tết, và cả những ngày đầu năm, vợ chồng con cái bắt đầu chia nhau tỏa đi các nơi, không phải chùa chiền mà các khu chợ xép, nơi có những người buôn bán nhỏ, mưu sinh khắc khổ trong những ngày cuối năm và cả đầu năm mới.

Chúng tôi tặng họ, bất ngờ, món tiền tuy không lớn nhưng cũng giúp họ có được chút ít mùa Xuân với đòn bánh tét, cành hoa, nồi thịt trong nhà. Niềm vui bất ngờ đến, cả người cho và người nhận đều ngân ngấn nước mắt vì xúc động. Có khi là chiều ba mươi, có khi sáng mồng một, hay cả mồng hai mồng ba, chúng tôi đều có thể làm công việc nhỏ nhoi đó, đem niềm vui bất ngờ cho những người mưu sinh chật vật.

Và không cần lúc xuân sang, bất kỳ lúc nào trong năm có thể, trích ra một số tiền, nhiều hay ít đều được, bỏ chút thì giờ đi tìm những người mưu sinh nghèo khổ, trao cho họ niềm vui bất ngờ, thì không khí Tết bỗng dừng ùa đến.

Và Tết đã đến rồi ở lại với chúng tôi suốt năm…

NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG

0 nhận xét: